Thủ tục xuất nhập cảnh
Hãng Luật Khánh Dương hân hạnh giới thiệu dịch vụ:
I. TƯ VẤN THỦ TỤC CẤP VISA CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Visa (còn gọi là thị thực nhập cảnh) là một loại chứng nhận quan trọng do chính phủ một nước cấp cho người nước ngoài muốn đến nước họ.
Tại Việt Nam, visa nhập cảnh được cấp cho người nước ngoài có thể phân biệt các loại:
1. Visa du lịch: có giá trị 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thường được cấp cho khách du lịch, được quyền nhập xuất cảnh một lần qua các cửa khẩu quốc tế. Có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng.
2. Visa thương mại/Visa đầu tư: có giá trị từ 90 ngày đến 180 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thường được cấp cho người nước ngoài đến kinh doanh hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư, được quyền nhập xuất cảnh nhiều lần qua các cửa khẩu quốc tế. Có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng.
3. Giấy phép tạm trú: có giá trị từ 01 - 02 năm kể từ ngày nhập cảnh, thường được cấp cho người nước ngoài đến làm việc thường xuyên hoặc đầu tư, được quyền nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế. Có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng.
II. TƯ VẤN THỦ TỤC CẤP THẺ TẠM TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
1. Thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài trong các trường sau:
- Người nước ngoài là thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Người nước ngoài là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.
- Luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo qui định của pháp luật.
- Người nước ngoài có Giấy phép lao động đang làm việc tại các loại hình doanh nghiệp, Văn phòng đại diện các công ty nước ngoài.
- Chuyên gia, sinh viên đang làm việc, học tập theo các chương trình, dự án quốc gia ký kết giữa các Bộ, Ngành được Chính phủ phê duyệt.
- Thân nhân đi cùng gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con ruột (dưới 18 tuổi) của những người được cấp Thẻ tạm trú.
2. Thông tin khác:
- Thẻ tạm trú do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp và thông thường có hiệu lực pháp lý từ 01 – 03 năm.
- Thẻ tạm trú có thể được gia hạn mỗi lần từ 01 – 03 năm khi hết hạn hiệu lực.
III. TƯ VẤN THỦ TỤC XIN XÉT CHO PHÉP SỬ DỤNG THẺ ĐI LẠI CỦA DOANH NHÂN APEC (ABTC)
1. Thông tin chung:
Thẻ ABTC được gọi là “chìa khóa hội nhập” của các doanh nhân Việt Nam vì mang lại nhiều lợi ích trong quá trình giao thương trong khối APEC. Người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực (miễn Visa) của các nước và vùng lãnh thổ đó mà chỉ cần xuất trình thẻ ABTC kèm hộ chiếu hợp lệ. Người mang thẻ ABTC được xuất nhập cảnh nhiều lần và không phải làm thủ tục đăng ký lưu trú. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó (tối đa mỗi lần có thể từ 60 – 90 ngày).
Ảnh minh họa ( mẫu thẻ apec)
2. Đối tượng được cấp thẻ APEC (ABTC)
a. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư tại Việt Nam có tham gia trực tiếp đến việc thương thảo và ký kết hợp đồng với các đối tác của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên thuộc APEC đã tham gia chương trình thẻ ABTC gồm:
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH; Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân;
- Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc;
- Kế toán trưởng;
- Giám đốc hoặc Trưởng phòng phụ trách các bộ phận chuyên môn;
- Phó Giám đốc hoặc Phó Trưởng phòng phụ trách các bộ phận chuyên môn (chỉ áp dụng đối với các doanh nhân làm việc trong Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu);
- Người đứng đầu chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp (Giám đốc);
- Chủ nhiệm hợp tác xã và Chủ tịch Ban quản trị hợp tác xã.
b. Công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND Thành phố có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động kinh tế khác của APEC.
3. Điều kiện đề nghị cấp thẻ APEC (ABTC)
a. Đối với doanh nhân của các doanh nghiệp:
- Có hộ chiếu phổ thông còn thời hạn sử dụng ít nhất 03 năm kể từ ngày nộp hồ sơ xét cho phép sử dụng thẻ ABTC.
- Đang làm việc tại các doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Quy chế này có các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư và dịch vụ với các đối tác trong các nền kinh tế thành viên tham gia thẻ ABTC.
- Làm việc tại các doanh nghiệp được thể hiện bằng hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm chức vụ và tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật
- Là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị hạn chế hoặc không bị mất năng lực hành vi dân sự.
- Là chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc làm việc theo hợp đồng lao động (có hợp đồng lao động đã giao kết không xác định thời hạn) có thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước khi đề nghị cấp thẻ ABTC tối thiểu là 12 tháng.
- Có nhu cầu thường xuyên với các chuyến đi ngắn hạn tới các nền kinh tế thành viên ABTC để ký kết, thực hiện các cam kết kinh doanh trong khu vực APEC.
- Làm việc trong doanh nghiệp có doanh thu sản xuất kinh doanh tối thiểu 10 tỉ Việt Nam đồng hoặc có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tối thiểu tương đương 10 tỉ Việt Nam đồng trong năm gần nhất.
b. Đối với công chức, viên chức Nhà nước:
- Có hộ chiếu phổ thông còn thời hạn sử dụng ít nhất 05 năm kể từ ngày nộp hồ sơ xét cho phép sử dụng thẻ ABTC.
- Có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động kinh tế khác của APEC theo Quyết định cử cán bộ đi công tác nước ngoài của UBND thành phố.
IV. TƯ VẤN CÁC THỦ TỤC KHÁC
1. Xác nhận có quốc tịch Việt Nam
2. Xác nhận có gốc Việt Nam
3. Thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam
4. Thủ tục đăng ký cho Việt kiều hồi hương
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu có nhu cầu xin trở lại thường trú ở Việt Nam mà thuộc một trong hai trường hợp sau đây thì có thể làm thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam:
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị về Việt Nam đăng ký thường trú;
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp.
Điều kiện để được hồi hương về Việt Nam:
- Có quốc tịch Việt Nam;
- Có thái độ chính trị rõ ràng, không có hành động chống phá Việt Nam;
- Có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam;
- Có thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột, người trong dòng tộc) là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam bảo lãnh hồi hương (đối với người hồi hương để đoàn tụ gia đình và nhân đạo); có cơ quan cấp bộ, cơ quan cấp ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo lãnh (đối với người xin hồi hương để tham gia xây dựng đất nước);
- Được phía Nước ngoài cho phép cư trú dài hạn và không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị.
Lưu ý: Người có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị không cần phải làm thủ tục xin hồi hương tại Đại sứ quán. Khi làm thủ tục nhập khẩu tài sản cá nhân, người có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sẽ phải xuất trình: Hộ chiếu Việt Nam có dấu kiểm chứng nhập cảnh tại cửa khẩu; Sổ hộ khẩu do Công an Quận/huyện cấp sau khi đã nhập cảnh; Bản dịch có công chứng thẻ xanh hoặc hộ chiếu nước ngoài, và các giấy tờ khác theo yêu cầu của Hải quan Việt Nam.
Nơi nộp hồ sơ:
- Tại nước ngoài: Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.
- Tại Việt Nam: Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an; hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh/thành nơi muốn về thường trú.
Hãng Luật Khánh Dương rất hân hạnh được phục vụ Quý khách
Hotline Tổng Đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.633.717
Số điện thoại yêu cầu dịch vụ Luật sư: 0986.708.677
Email: duong@luatkhanhduong.com
KHÁCH HÀNG HÀI LÒNG | CHÚNG TÔI THÀNH CÔNG